Khởi nghiệp tình cờ

Life Long Learning

Created with Sketch.

Khởi nghiệp tình cờ

Năm 2009 tôi được một Sếp ở doanh nghiệp Nhật Bản chuyên trong lĩnh vực kết nối Việt nam và Nhật Bản nhờ tôi đi dịch tiếng Nhật cho một công ty lớn về nhân sự. Người giới thiệu công việc phiên dịch này lại chính là ông xã tôi, anh đanh là giảng viên tại Đại học Bách Khoa.

Chả là lần trước đó ông sếp vào Đại học Bách Khoa nhờ chông tôi tìm một số sinh viên để gặp gỡ, ông sếp đưa một phiên dịch đi nhưng dịch kém quá, cả hai bên đều không thể hiểu được nhau và cuối cùng thì sinh viên nói tiếng Việt, chồng tôi dịch sang tiếng Anh cho sếp Nhật, nhưng người Nhật vốn kém tiếng Anh nên rất vất vả trong lần đó. Anh xã có bảo ông là lần sau tôi giới thiệu vợ tôi cho, cô ấy có thể giúp. ông dịch được. Và đó chính là một cú reo duyên hay nói cách khác theo kiểu kinh doanh thì đó là “thương vụ” đầu tiên trước khi 1 năm sau tôi quyết định thành lập pháp nhân.

Mùa Xuân năm 2009, sếp Nhật và đối tác đã có một sự kiện tổ chức hội thảo siêu lớn, đình đám tại trường Bách Khoa, thu hút 600 sinh viên tham gia tại hội trường C2, chắc là lần đầu tiên có công ty mở sự kiện to như vậy. Sự kiện có tên dự án là AHRP (Asian Human Resource Project – Dự án nguồn nhân lực Châu Á) được tổ chức cả ở Trung Quốc, Indonexi, Singapore).

Trong suốt 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật, đội phiên dịch 5 người đã hỗ trợ cho team người Nhật để phỏng vân hết gần 600 sinh viên. Không hiểu sao, khi làm công việc này tôi có một sự rung động, xúc động khi nghe nhiều câu chuyện của các bạn sinh viên. Lý do các bạn muốn đi Nhật và làm ở Nhật bởi gia đình nghèo quá hoặc bố mất, mẹ cũng vất vả nuôi 4 anh chị em ăn học. Muốn đi làm ở Nhật để làm giàu nhanh hơn và báo hiếu cho mẹ, giúp đỡ các em ăn học. Những câu chuyện của các bạn khiến tất cả mọi người xúc động và mong muốn giúp được hết những bạn ấy có được công việc thật tốt với thu nhập cao.

Sau sự kiện đó, chúng tôi tuyển được 30 bạn sinh viên xuất sắc nhất và cho tham gia đào tạo tiếng Nhật miễn phí. Tôi và Tiến sỹ Ngô Hương Lan – giáo viên tiếng Nhật dạy Đại học của tôi tham gia trong suốt 6 tháng liên tục để giúp các bạn có tiếng Nhật N3. Hành trình dạy tiếng Nhật và học cùng các bạn cũng có nhiều câu chuyện để kể lắm. Nhìn các bạn lăn ra học ở trường, tối lại học tiếng Nhật, giúp đỡ nhau mà thấy ấm lòng. Lúc đó đứa nào cũng nghèo, không phải ai cũng có điện thoại, chỉ tạo nhóm group facebook add nhau chứ không chat chít ngày đêm zalo, vibe sau này. Có ngày rảnh thì tụ tập ăn uống, sinh viên nghèo những vẫn tập hợp vài bữa ăn vặt, lẩu vỉa hè mời các cô. Nhìn các bạn mình hình dung sau này 10 năm, 20 năm, những thanh niên này sẽ trưởng thành, thành công, giàu có thì chắc chúng nó sẽ nhớ tới những ngày này lắm đây.

Rồi sau khi học xong, các công ty bên Nhật như Brother, IHI và nhiều tập đoàn rất lớn đến phỏng vấn nhưng không đỗ được ai. Đứa nào cũng buồn và giáo viên như bọn tôi cũng thế. Bởi là thị trường mới nên các công ty Nhật cũng rất rụt rè quyết định tuyển. Đến đầu năm 2010, dự án dạy tiếng Nhật xong và các bạn tự do đi học chờ tốt nghiệp, nếu có công ty tuyển dụng thì lại đi phỏng vấn. Nhưng sau đó các cuộc phỏng vấn hầu hết đều thất bại. Dự án thất bại hoàn toàn và các bạn sinh viên lãi nhất là khóa học tiếng Nhật, chúng tôi nhận lương giáo viên còn bên Nhật thì lỗ rất nặng. Lúc này tôi nghĩ mình phải làm gì đó vì các bạn học viên đã học xong mà không có việc làm cũng tiếc quá! Cũng đúng lúc này CMC Software chuyển địa điểm từ Hàm Long – Quận Hai Bà Trưng lên Cầu Giấy, tôi đi làm một thời gian mệt quá và hầu hết bị trừ lương vì ngày nào cũng đi muộn vài phút, nên ngày 1 tháng 4 năm 2010 tôi xin nghỉ việc và về Văn phòng đại diện khuôn mẫu chỉ để trực văn phòng.

Trở về Văn phòng đại diện một mình làm việc, tôi vẫn duy trì với sếp Nhật công ty nhân sự đó và nhận lời tiếp tục dự án AHRP, phỏng vấn 500 sinh viên các trường Đại học top ranking ở Hà Nội như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ – ngày nay gọi là Đại Học Hà Nội, Đại học Quốc Gia, Đại học FPT và nhiều trường Quốc lập khác. Tôi được bên Nhật qua đào tạo chỉn chu để phỏng vấn và đánh giá kiểu Nhật, dịch hết các nội dung phỏng vấn sang tiếng Nhật. Mỗi một sinh viên phỏng vấn và dịch CV được 2 USD, hoàn thành đúng hạn tôi sẽ được thưởng thêm 500 USD. Tức là với job này tôi hoàn thành sẽ có 1,500 USD. Một người đang quá rảnh rỗi không việc gì làm nhận lương 700 USD/tháng cũng chẳng vui gì, chỉ cần việc để làm, tôi nhận luôn deal trên và hoàn thành xuất sắc trong hơn một tháng, hầu như ngày nào cũng phỏng vấn từ 20~30 bạn, thậm chí vào tận các trường Đại học ngồi phỏng vấn, xông cả vào lớp học phát tời rơi, nhờ người thân, quen PR. Tôi phải thuê 1 bạn sinh viên là em Bắc, mới ra trường Ngoại thương để làm trợ lý sắp xếp phỏng vấn.

Sau khi kết thúc dự án, đến lúc nhận tiền công thì bác Nhật bảo là bác ở bên đó chưa chuyển tiền qua được và chuyển phức tạp. Khanh đến công ty R để lấy tiền vì bên đó đang nợ tiền tôi. Tôi phải đi qua đi lại mấy lần mới lấy được khoản tiền công 1,500 USD mà rất vất vả mới có được. Khi nhận được số tiền đó, một cảm giác sung sướng vô cùng, hơn rất nhiều những khoản tiền lớn khác mà tôi đã từng làm ra. Bởi dự án này tôi lăn lộn mấy tháng mùa hè nóng nực, vất vả và áp lực vô cùng.

Sau khi nhận được tiền, tôi liên lạc sang bên Nhật báo với bác rằng tôi sẽ lập công ty và thực hiện các công việc này, sẽ tính toán lại báo giá và làm với tư cách là công ty với công ty. Thế là với ý tưởng là cầu nối để Liên Kết giữ Việt Nam và Nhật Bản – cái tên Công ty Cổ Phần Liên Kết Việt Nhật – Việt Nam Japan Link JSC (VIJA Link JSC) ra đời từ đó. Giấy phép đăng ký kinh doanh là ngày 28 tháng 6 năm 2010.

Thật tình cờ và đến 28 tháng 6 năm 2014 này, VIJA Link sẽ tròn 14 tuổi. Chúc cho mái nhà VIJA Link sẽ luôn phát triển, là cầu nối cho Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực kết nối nhân sự, đóng góp cho phát triển ngoại giao, kinh tế, thương mại Việt Nam và Nhật Bản.

Tôi tri ân người sếp Nhật đầu tiên đó đã tin tưởng và giúp đỡ tôi, em Bắc đã làm cùng tôi ngày đầu, sau này là em Hiên, em Nhung, em Hằng gia nhập năm 2012 và giờ em Nhung, em Hiên vẫn đồng hành cùng sự phát triển của VIJA Link. Và hàng chục, hàng trăm các thành viên tham gia trong từng giai đoạn phát triển VIJA Link. Nó không còn chỉ là của người sáng lập, là của rất nhiều đồng nghiệp, ứng viên, khách hàng khi nghĩ về một nơi kết nối giữa Việt Nam và Nhật Bản – ‘VIJA Link”.

Happy Birthday to VIJA Link 14 years old.

Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết rất dài này của tôi.

Hà nội, Thứ Năm ngày 13 tháng 6 năm 2024

Khanh Trần CEO VIJA Link

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng ký nhận e-book
We respect your privacy.